Giáo dục mầm non ở Nhật Bản luôn cố gắng tạo cho trẻ môi trường tốt nhất để đạt được những mục tiêu đề ra: trẻ có tâm hồn phong phú, khỏe manh, hòa nhập, chịu khó suy nghĩ và trẻ luôn cố gắng và nỗ lực.
Ở cấp giáo dục mầm non ở Nhật Bản, có vẻ như họ không quan tâm nhiều đến việc giáo dục trí tuệ cho trẻ em. Họ không có sách giáo khoa, chỉ có vài quyển sách ảnh mới mỗi tháng. Trong bản kế hoạch giáo dục của nhà trường cũng không có bất kỳ môn nào như toán, hát, vẽ hay tập tô tập vẽ.
Giáo dục mầm non ở đất nước mặt trời mọc này ít thực hiện trên sách vở mà họ chú trọng vào thực tế nhiều hơn “học đi đôi với hành”. Để dạy trẻ có tình yêu thương với động vật cô giáo không nói “các em phải biết thương yêu động vật”, mà họ sẽ cho trẻ tự tay chăm sóc một loài động vật nào đó. Qua quá trình hàng ngày chăm sóc trẻ sẽ dần dần hình thành được tình cảm với những con loài động vật. Hay là để trẻ hiểu rằng không được lãng phí đồ ăn thì giáo viên sẽ cho trẻ tự tay gieo hạt, chăm sóc, cho tới khi thu hoạch các loại rau củ dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Trẻ em Nhật Bản thường chỉ đến trường từ 9h sáng đến 2h chiều, 5 buổi trên một tuần, tức chỉ khoảng 25h/tuần, thời gian các chủ yếu các bé được ở bên gia đình. Chính vì vậy, bố mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển và định hình tính cách cho trẻ. Để việc nuôi dạy trẻ đạt hiệu quả tốt nhất, các cô giáo thường xuyên có những buổi chia sẻ về các kiến thức sư phạm mầm non với phụ huynh.
Nếu như ở Việt Nam dù trẻ học ở bậc giáo dục tiểu học nhưng vẫn còn được bố mẹ giúp những sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, trang phục. Thì tại Nhật ngay từ bậc giáo dục mầm non đã được học cách tự làm những việc đó. Trẻ khi mới bắt đầu tập làm một việc gì đó thì không thể làm tốt ngay được có thể làm sai nhưng nếu làm nhiều thì các em sẽ quen dần và làm nhanh hơn và chính xác hơn.
Với Việt Nam, có lẽ 4 tuổi để sử dụng những vật dụng sắc nhọn như dao, kéo. Có vẻ như quan niệm của chúng ta thì trẻ con chưa ý thức được sự nguy hiểm và chưa đủ khéo léo để sử dụng tốt những thứ này. Nhưng đối với Nhật trẻ lại được học cách sử dụng những vật “nguy hiểm ” này từ rất sớm. Để đảm bảo an toàn và sử dụng đúng phương pháp, bố mẹ và thầy cô luôn ở bên cạnh để hỗ trợ và hướng dẫn, nhưng chỉ hướng dẫn, làm mẫu và trông chừng chứ không làm hộ. Cô giáo và bố mẹ luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các bé phát huy tính tự lập và học cách làm chủ cuộc sống của mình.
Tại Nhật Bản giáo viên sư phạm mầm non được ví như một người nghệ sĩ thực thụ. Họ phải biết nhiều bài hát, sáng tác ra các điệu nhảy, phải nghiên cứu để tích lũy cho mình một vốn từ vựng phong phú về động vật, màu sắc, thời tiết, tổ chức trò chơi và đặc biệt là những câu chuyện bổ ích.
Điều kiện của mỗi nước đều khác nhau nên cách giáo dục trẻ cũng khác nhau nhưng Nhật Bản luôn là nước có một nền giáo dục tốt đáng cho chúng ta học hỏi. Nhưng không hẳn là làm theo họ mà chúng ta cần biến đổi sao cho phù hợp với điều kiện của nước ta để ngành giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng ngày càng phát triển tạo điều kiện tốt nhất cho các em.
Bình luận của bạn: