Trong môi trường giáo dục mầm non ngoài kỹ năng sư phạm còn cần có các kỹ năng khác. Vì đối tượng học sinh ở đây rất đặc biệt, đó là trẻ em, lứa tuổi đang ham chơi, muốn khám phá thế giới.
Kể chuyện
Chúng ta lớn lên qua các câu chuyện của mẹ, của bà về làng quê yên bình, về các vị anh hùng dân tộc, hay một nhân vật trong chuyện có tích ở vương quốc xa xôi. Không có đứa trẻ nào không thích nghe chuyện, qua mỗi câu chuyện ta truyền tải ít nhiều các bài học nhẹ nhàng đến chúng. Giúp chúng hình thành nhân cách qua các câu chuyện đạo đức, giúp chúng hiểu các hiện tượng kỳ lạ của thiên nhiên qua các câu chuyện khoa học, hay giúp chúng phân biệt việc nên làm và không nên làm. Với giáo viên mầm non thì kỹ năng kể chuyện lại càng cần thiết.Sở hữu giọng kể trong trẻo, lôi cuốn sẽ khiến cả lớp chăm chú ngồi im lặng lắng nghe.
Múa hát
Đi qua các trường mẫu giáo luôn là hình ảnh những chú chim non nắm tay nhau nhảy múa, miệng ê a hát. Bản tính trẻ con hiếu động các bé độ tuổi này rất thích múa hát, nó giúp các bé năng động hơn, tự tin trước đám đông, ngoài ra còn giúp các bé phát âm chuẩn hơn, tập thói quen ghi nhớ đơn giản cho não bộ. Múa hát không những là phương pháp giáo dục mầm non mà còn là hoạt động giải trí, vui chơi lành mạnh, bổ ích.
Đồ chơi tự tạo
Tất cả các trường mầm non đều có sẵn đồ chơi nhưng có thể số lượng không đủ cho tất cả học sinh, hay đồ chơi cũ hỏng. Lúc này để tiết kiệm chi phí cũng như tận dụng các vật phẩm còn dùng được, từ đồ chơi cũ bạn hoàn toàn có thể tạo thành các món đồ chơi độc đáo khiến trẻ thích thú. Ngoài ra bạn cũng có thể ủng hộ sáng tạo của trẻ, để trẻ tự khám phá, tự tạo thành các món đồ chơi của chính mình. Ngoài ra còn giúp trẻ học được tính tiết kiệm, tận dụng các món đồ còn sử dụng được cũng như tăng tính sáng tạo.
Các trò chơi, hoạt động mới
Cũng như đồ chơi mới, trẻ con luôn thích các trò chơi mới. Là một giáo viên mầm non bạn có thể nghĩ ra các trò chơi mới, hay đơn giản là các phần thưởng nhỏ giành cho các bé biết làm việc giúp bố mẹ, biết tự chăm sóc bản thân để khuyến khích tính tự lập cũng như phát huy các đức tính tốt cho trẻ. Bạn cũng nên khuyến khích trẻ nói lên suy nghĩ, ý kiến của mình. Vừa giúp trẻ tự tin vừa giúp bạn hiểu thêm về các học trò của mình.
Trong quá trình công tác, giảng dạy bạn hãy không ngừng học hỏi trau dồi kiến thức sư phạm mầm non của mình cũng như phát huy thật tốt điểm mạnh của mình, để các bé yêu quý bạn, coi trường học là ngôi nhà thứ hai.
Bình luận của bạn: